Vị Đại đức Thích Thiện Đăng với tấm lòng thiện nguyện mở lớp dạy kiến thức, kỹ năng cho trẻ

 Vị Đại đức Thích Thiện Đăng với tấm lòng thiện nguyện mở lớp dạy kiến thức, kỹ năng cho trẻ

“Chỉ có giáo dục mới thay đổi con người và xã hội”, đó là chia sẻ tâm huyết của Thầy Thích Thiện Đăng, Tịnh Viện Phước Quang (Thị Trấn Hậu Nghĩa, Đức Hòa, Long An) khi quyết định mở lớp dạy học miễn phí cho các em nhỏ khó khăn vào năm 2016.

Không khí yên ả, tĩnh lặng được thay thế bằng những tiếng cười nói, vui đùa của trẻ. Sự nhộn nhịp sau cánh cổng chùa giống như một mái trường thân yêu của học sinh. Những năm nay, gần như ngày nào tại Tịnh thất Phước Quang cũng lại vang lên tiếng đọc chữ ê a của trẻ em. Đó là lớp học tình thương do đại đức Thích Thiện Đăng mở ra nhằm giúp đỡ cho những trẻ em nghèo khó.

Để hiểu rõ hơn về hành trình gieo chữ cho trẻ em nghèo suốt 6 năm qua, chúng ta cùngđến với bài phỏng vấn ngắn sau:

Chào thầy! Thầy có thể chia sẻ cơ duyên nào giúp thầy mở lớp học và đứng lớp đều đặn hơn 6 năm qua để truyền dạy kiến thức và kỹ năng cho những em nhỏ nghèo khó tại Đức Hòa, Long An được không?

Năm 2016, trong một lần đi làm thiện nguyện và thăm trẻ em nghèo, tình cờ tôi thấy được cuộc sống nay đây mai đó, không có điều kiện đến trường, không được học chữ của các em. Tôi nghĩ mình phải làm điều gì đó để giúp những đứa trẻ nghèo khó tại quê có thể được sống, được học tập và hưởng những quyền lợi mà chúng vốn được có. Vì chỉ có học tập thì mới đưa chúng thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn hiện tại. Thương những cảnh đời bé thơ lam lũ, cả ngày vật lộn ngoài xã hội với cuộc sống mưu sinh, đến cái chữ bẻ đôi cũng không biết, tôi bắt đầu chuẩn bị cho việc mở lớp dạy chữ cho chúng.

Được biết lớp học này có tên là Lớp học tình thương “Bát Nhã”. Thầy có thể cho biết cái tên Bát Nhã này từ đâu và ý nghĩa của nó như thế nào?

Tôi sử dụng chính nơi nghỉ ngơi của mình để làm phòng học – tịnh thất Phước Quang, khi bắt đầu mở lớp học, tôi gửi gắm niềm hy vọng vào lớp học này rất nhiều nên mới đặt cái tên là: Lớp học tình thương “Bát Nhã”. Bởi theo quan niệm nhà Phật, Bát Nhã là trí tuệ. Tôi mong muốn các em nhỏ tiếp thu được thật nhiều kiến thức và các kỹ năng sống qua những buổi học ngắn ngủi. Từ đó nâng cao trí tuệ, phát triển tư duy, không ngừng nâng cao giá trị bản thân mỗi ngày.

Vừa đảm bảo cân bằng thời gian lên lớp vừa tham gia các hoạt động thiện nguyện khác khắp nơi, điều gì giúp thầy cân bằng cả 2 thứ?

Tôi tham gia dạy học cũng xuất phát từ tình thương dành cho trẻ, muốn giúp đỡ cho các em có hoàn cảnh  khó khăn. Công việc nhiều lúc cũng mệt nhưng tôi vẫn cảm thấy vui vì mình đã làm điều có ích cho xã hội. Mỗi ngày tôi dành ra 2 tiếng dạy học cho các em nhỏ từ thứ 2 đến thứ 6. Nhìn những giây phút các em được vui đùa cùng nhau trong lớp học, tôi tự nhiên cảm thấy trong lòng vui theo. Đã quyết định mở lớp thì tôi đã chấp nhận đồng hành cùng các em lâu dài. Còn những chuyến từ thiện ở xa khác tôi sắp xếp những hôm không có lịch dạy hoặc những khoảng thời gian rảnh, sao cho không làm ảnh hưởng đến những buổi học của các em.

Để duy trì lớp học tình thương “Bát Nhã” thầy đã từng gặp những khó khăn nào và vượt qua nó như thế nào?

Lúc đầu mở lớp tôi lo ngại về việc vận động các em tới lớp, cho đến cơ sở vật chất ổn định để ngồi học. Khó khăn nhất là người học không cùng trình độ nên phải soạn giáo án sao cho phù hợp với mọi người. Để hấp dẫn và dễ nhớ, tôi áp dụng sơ đồ tư duy, tổ chức trò chơi, thay đổi đa dạng hình thức giảng dạy không bị nhàm chán.

May mắn việc tôi mở lớp tình thương được rất nhiều người ủng hộ, đặc biệt các nhà tài trợ và phụ huynh. Từ đó giúp tôi tự tin đứng lớp hơn và quá trình vận động các em tới lớp cũng trở nên dễ dàng. Vì mục đích nâng cao chất lượng giáo dục và quyền lợi của những đứa trẻ tại vùng đất nghèo Đức Hòa năm đó, tôi sẵn sàng đánh đổi, cố gắng vượt qua mọi khó khăn để mang con chữ đến với các em.

Thầy có những kỳ vọng hoặc mong muốn gì vào những đứa trẻ tại lớp học tình thương “Bát Nhã” không?

Tôi hi vọng các em có thể tiếp thu được những kiến thức trên lớp và áp dụng được vào cuộc sống, từ đó phát triển bản thân, trở thành người có ích cho xã hội. Không chỉ thế, mục đích quan trọng nhất của việc học chính là tạo nên một lối sống lành mạnh, đạo đức tốt và sự kết nối, phát triển tình cảm giữa con người với nhau. Tôi mong rằng các em sẽ hiểu ý nghĩa của việc học và cố gắng học tập, sau này giúp đỡ lại những hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

Được biết không chỉ mở lớp học tình thương “Bát Nhã”, thầy Thích Thiện Đăng còn thực hiện rất nhiều hoạt động từ thiện ý nghĩa giúp đời. Từ việc quyên góp xây dựng nhà tình thương, xây cầu đường cho đến trao những suất học bổng, những phần quà ý nghĩa đến với các em, các gia đình khó khăn và còn rất nhiều những việc làm thầm lặng khác. Những việc làm không hề nhỏ cả về ý nghĩa tinh thần của thầy đã giúp đỡ cho rất nhiều hoàn cảnh khốn khó có thêm động lực, niềm tin vào cuộc sống tốt đẹp mai sau.

Theo đó, ở trong chừng mực nào đó, trong khả năng bản thân, làm được gì là thầy cố gắng làm, như lời thầy chia sẻ, từ lớp học, các hoạt động từ thiện, các chương trình giao lưu văn hóa, tu học – là một hình thức chùa đóng góp cho xã hội. Tất cả đều với mong muốn: “truyền đạt xây dựng lý tưởng sống, kỹ năng sống cho thanh thiếu niên, thông qua giáo lý Đức Phật”.

Hoàng Trà

Thủy Tiên