Nghệ Sĩ Viola Quốc tế Nguyệt Thu: Vòng tay của mẹ – Món quà tình yêu cho con
“Con dù lớn vẫn là con của mẹ, đi suốt cuộc đời lòng mẹ vẫn theo con”. Mẹ chính là nơi nương tựa vô cùng vững chãi cho mỗi đứa con sau những lần vấp ngã, là nơi mỗi người con có thể thổ lộ mọi điều thầm kín, là nguồn động viên, là tình yêu, là cả những day dứt, dằn vặt, trăn trở và niềm tự hào chính đáng của một con người.
Từ khi sinh ra đến lớn khôn, trưởng thành, mẹ luôn dõi theo từng bước chân, đặc biệt khi con vấp ngã, mẹ sẵn sàng nâng con dậy, dìu bước con qua những khó khăn, thử thách. Khi con vui hay buồn, mẹ luôn là người ở bên chia sẻ và động viên. Đó cũng chính là hình ảnh của người nghệ sĩ Viola Quốc tế Nguyệt Thu (Nguyễn Nguyệt Thu) và câu chuyện cảm động về một nỗi niềm của người mẹ.
“Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru”
Ngôi sao của mẹ mang tên con trai.
Trong suốt hơn 30 năm hoạt động nghệ thuật, NGHỆ SĨ VIOLA QUỐC TẾ NGUYỆT THU đã gặt hái được nhiều thành công và nâng tên tuổi của mình lên tầm quốc tế. Hiện tại, chị là nghệ sĩ Viola nằm trong top Thế giới. Nhưng ít ai biết, phía sau ánh đèn sân khấu ấy là những nốt nhạc thăng trầm về cuộc sống hôn nhân và con cái của chị.
Năm 2001, chị kết hôn và sinh được một cậu con trai khấu khỉnh. Nhưng niềm hạnh phúc làm mẹ chưa được bao lâu, chị bắt đầu cảm thấy lo âu khi con mình có những biểu hiện không giống như những đứa trẻ khác. Bốn năm ròng, cháu chỉ ăn duy nhất một món và chỉ có thể ngủ khi được ôm cái gối của chính mình. Cháu cũng không thể chơi các trò chơi như các bạn và đặc biệt là sớm bộc lộ những cảm xúc khác thường. Qua tìm hiểu, chị mới nhận thấy con mình đã mắc chứng tự kỷ.
Từng thấy đất trời bỗng nhiên sụp đổ dưới chân khi nhận ra con mình mắc bệnh, từng xót xa như xát muối vào lòng, nhưng chính cậu con trai và niềm tin ở bản thân đã không cho phép chị sụp đổ quá lâu, tiếp thêm động lực đưa chị ra khỏi hố sâu tuyệt vọng, là nguồn nghị lực cho chị chiến đấu trong hành trình đưa con trở về thế giới của trẻ bình thường.
Chị quyết định cùng con sang các trường chuyên biệt, lại đưa con từ Hà Lan, sang Malaysia, sang Singapore, vòng về Việt Nam rồi lại sang Hà Lan, nhưng kết quả thu được không bao nhiêu. Thế rồi, trong một lần đọc tài liệu nghiên cứu, chị nhận thấy trẻ tự kỷ thường có năng khiếu âm nhạc.
Là nghệ sĩ, chị hiểu rất rõ sức mạnh kỳ diệu của âm nhạc đối với con người. Thế là chị sử dụng âm nhạc để trị liệu cho con. Những bản nhạc nhẹ nhàng, với tiết tấu khoan thai và giai điệu lặp lại như một phép màu đã khiến cho cậu con trai của chị dần dần có chuyển biến tốt.
Có âm nhạc cuộc sống tươi đẹp hơn!
Chẳng có âm điệu nào thiết tha bằng cung thăng trầm của khúc nhạc. Thực tế, âm nhạc trị liệu đem lại rất nhiều lợi ích cho trẻ tự kỉ, bởi sau khi nghe giai điệu của bài hát nhiều lần, trẻ có thể ghi nhớ giai điệu và sử dụng những âm mà trẻ đã có để ê a.
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, rất nhiều trẻ không biết nói nhưng có thể thuộc, ê a hát theo giai điệu và biểu diễn bài hát của mình với mọi người. Đây là khoảnh khắc trẻ có thể kết nối và tương tác với người khác một cách hạnh phúc và tự nhiên nhất. Vì thế, hãy trao cho trẻ tự kỷ những cơ hội được thể hiện và chia sẻ cảm xúc của chính mình thông qua âm nhạc trị liệu thư giãn. Việc kích thích hệ thống giác quan là một trong những chức năng mà âm nhạc trị liệu đem lại.
Bây giờ, con trai chị Nguyệt Thu đã hơn 20 tuổi, cậu đã có đủ nhận thức và sự kiên trì để làm một điều gì đó. Cậu không biết viết nhưng có thể nói được 4 thứ tiếng: Anh, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Việt Nam. Cậu có thể lên mạng vào Google để tìm hiểu một điều gì đó cậu cần, có thể chơi piano dù không phải là xuất sắc, và thổi được kèn acmonica,…
Và quan trọng nhất, theo chị Thu, cậu bé đã trở về bình thường là một người con biết yêu thương, vâng lời người lớn và hòa nhập cùng thế giới, không quá tách biệt hay trở nên sợ hãi khi gặp mọi người. Chị hối hận một điều, nếu chị biết đến những phương pháp dạy con sớm hơn, nhất với phương pháp nuôi dạy trẻ tự kỷ bằng âm nhạc, thì có thể con của chị đã bình thường như bao bạn nhỏ khác.
Cùng các con bay khắp thế gian âm nhạc
Sau nhiều năm kiên trì sử dụng âm nhạc để điều trị tự kỷ cho chính con trai mình, chị mong muốn sẻ chia phương pháp này với những bậc phụ huynh cùng cảnh ngộ và giúp các cháu vượt lên nghịch cảnh. Không ngại ngùng giấu giếm, bằng tình yêu bao la lớn hơn bao giờ hết chị đã dành cho con trai kém may mắn của mình cũng là nỗi đồng cảm lớn nhất với các bậc phụ huynh có con mang hội chứng tự kỷ. Và đặc biệt hơn đó chính là tình yêu thương chị dành cho những đứa trẻ phải trải qua những tổn thương như con trai của mình.
Ngôi trường Bình Minh cho nghệ thuật (Sunrise for Art school, phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) – ngôi trường đầu tiên tại Việt Nam và cũng là đầu tiên của Châu Á sử dụng âm nhạc để trị liệu cho trẻ tự kỷ đã được ra đời, do chị sáng lập. Chỉ gần hai năm, 4 ngôi trường chuyên biệt dành cho trẻ em tự kỷ đã được mở ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Và hiện nay chị đã có tổng cộng 5 ngôi trường tại Việt Nam.
Khi được hỏi về lý do trở về Việt Nam để thực hiện dự án về trẻ em tự kỷ, chị cho biết: “Điều kiện ở Việt Nam về vật chất có thể thiếu nhưng phương diện cảm xúc lại rất tốt. Trẻ tự kỷ cần được quan tâm, tôn trọng và sự gần gũi của những gia đình Việt sẽ giúp các em rất nhiều. Chị cũng mong muốn sử dụng những kiến thức đã học được từ các nước để kết hợp phát triển mặt tốt ở môi trường Việt Nam và giúp đỡ cho trẻ tự kỷ”.
Ngoài âm nhạc, chị cũng kết hợp các liệu pháp hình ảnh, hội họa để giúp những trẻ em mắc hội chứng tự kỷ phát huy hết tài năng. Nghệ sĩ Viola Quốc tế Nguyệt Thu cho rằng đối với trẻ tự kỷ, lời nói đôi khi không tác động mạnh mẽ bằng hình ảnh, âm thanh.
Bên cạnh việc phát triển năng lực tiềm ẩn trong lĩnh vực nghệ thuật của trẻ tự kỷ về âm nhạc: piano, organ, guitar,… suốt một năm qua, chị đã tổ chức nhiều chương trình như buổi diễn cho trẻ tự kỷ ở đường phố, những buổi hòa nhạc đặc biệt do trẻ tự kỷ biểu diễn trong không gian ấm cúng của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Qua đó, dự án này giúp các em có cơ hội khẳng định bản thân, suy nghĩ tích cực và tự tin hơn, cống hiến cho xã hội như những người nghệ sĩ thực thụ, đồng thời góp phần lan tỏa những hành động đẹp để trao đi yêu thương.
Nuôi lớn một đứa trẻ khỏe mạnh đã khó, đồng hành cùng những đứa trẻ với nhiều đặc biệt lại càng khó khăn gấp bội. Cảm ơn tấm lòng cao cả của chị. Chúc cho nghệ sĩ Viola Quốc tế Nguyệt Thu luôn thành công trong cuộc sống và giữ lửa truyền cảm hứng cho những bậc cha mẹ trên hành hình cùng con lớn khôn với sự kì diệu bằng âm nhạc mang lại.
Thanh Huyền